Cá bãi trầu hay còn gọi là thanh ngọc chấm có tên khoa học là Trichopsis vittata. Là một loài cá trong họ cá tai tượng ( Osphronemidae) thuộc chi Trichopsis. Loài cá phân bố chủ yếu ở vùng Đông Nam châu Á, từ Myanmar, Thái Lan tới Việt Nam và bán đảo Mã Lai. Ngoài ra, loài này cũng phân bố tới nhiều quốc gia khác thông qua việc buôn bán cá cảnh. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ chia sẻ cho bạn một ít thông tin và kinh nghiệm khi nuôi loài cá này.
🐠Tên khoa học | Trichopsis vittata |
🐠Chiều dài cá | 6 -7 cm |
🐠Màu sắc | Bạc |
🐠Nhiệt độ nước | 23 – 30 độ C |
🐠Độ cứng nước | 10 đGH |
🐠pH | 6 – 8 |
🐠Thể tích tối thiểu | 70 Lít |
🐠Tuổi thọ | 2 -3 năm |
Ngoại hình
Cá Bãi Trầu là loài cá nhỏ, có chiều dài cơ thể từ 6 đến 7cm. Đặc điểm nổi bật của cá cá Bãi Trầu là cá có sọc màu đậm ở giữa ( nâu hoặc đen), viền là màu ánh kim chạy dọc theo thân. Cá Bãi Trầu có thân hình cân đối, vây và đuôi mềm mại, thân cá dẹp về phía đuôi.
Vảy cá có màu sắc chủ đạo là màu bạc, kết hợp ánh kim màu xanh lam, xanh lá, và màu đỏ. Cá đực có màu sắc bắt mắt và phần vây lưng tròn. Con cái màu sắc đơn giản hơn, và phần vây lưng thì nhọn khác với con đực.
Hành vi và tập tính
Cá thanh ngọc chấm khi nuôi chung cùng nhiều cá khác sẽ có tính cách nhút nhát. Tuy nhiên khi được nuôi cách ly trong thời gian khoảng 1 tháng trở lên, chúng sẽ sinh ra bản tính bảo vệ lãnh thổ. Nên nếu sau đó chuyển chúng vào chung bể thì chúng có biểu hiện hung dữ, sẽ có các hành động kì lạ như nối đuôi lượn xoay vòng quanh nhau rồi phồng mang và quạt đuôi vào nhau. Chúng bắt đầu lao vào cắn nhau và bắt đầu phát ra tiếng kêu rột rột như loài ếch nhái. Khi chọi nhau, chúng cắn nhau rất mạnh làm nước sánh (văng, bắn) ra ngoài bể, thỉnh thoảng chúng câu (chu) mỏ. Trong cuộc chiến, hai con có thể ngửa bụng hàng giờ liền.
Ở bể chung, cá Bãi Trầu nổi bật hơn những con cá khác vì quẫy nước tạo ra tiếng kêu “tạch tạch”. Đặc biệt vào thời gian sinh sản thì cá càng quẫy nước nhiều hơn.
Thức ăn
Cá Bãi Trầu là dòng cá cảnh nhỏ mang những đặc tính tự nhiên.Trong tự nhiên, chúng có thể ăn các loại thức ăn như trùn chỉ, loăng quăng, bo bo, cánh kiến, các loại sinh vật nhỏ khác,…
Trong bể cá, cá Bãi Trầu rất dễ nuôi và có thể ăn nhiều loại thức ăn khác nhau như thức ăn tự tạo của con người như cám viên, viên thức ăn tổng hợp,…Tuy nhiên, để cá cá sức khỏe tốt và màu sắc cơ thể nổi bật, ta cần cho cá ăn những thức ăn tươi chứa nhiều chất dinh dưỡng như giun máu, tôm nhỏ,… Nếu bạn không có quá nhiều thời gian để chăm sóc cho chúng, một tip nhỏ là bạn hãy sử dụng thức ăn khô cho cá ngâm cùng với Brightwell Aquatics MaxAmini ( cung cấp 20 axit amin) giúp cá không bị thiếu chất dinh dưỡng.
Bể cá
Điều kiện môi trường : Vì cá thanh ngọc chấm có nguồn gốc ở các nước nhiệt đới như Việt Nam, Thái Lan. Nên chúng thích điều kiện nước ấm, nhiệt độ trong bể nên duy trì ở mức 24 – 30ºC. Độ cứng nước cần đạt 5 – 20dH, còn pH thì trong khoảng 6.0 – 7.5.
Lớp lót : Ngoài ra, vì đây là dòng cá cảnh sống ở tầng đáy, nơi có nguồn nước chảy chậm, yên tĩnh. Nên khi nuôi chúng trong bể bạn nên lót thêm lớp nền cát, sỏi để giống với môi trường ngoài thiên nhiên nhé.
Thực vật trong bể: Cá còn rất thích khu vực nước có nhiều cây thủy sinh, gốc lũa,…. Vì bản tính của chúng ngày thường khá nhút nhát. Nên việc bể có những cây thủy sinh sẽ giúp cá lẩn trốn, tìm kiếm thức ăn tốt hơn.
Ánh sáng : Nhu cầu ánh sáng của dòng cá này ở mức trung bình. Đối với bể trong nhà thì bạn có thể sắm thêm đèn led và duy trì bật 6 – 8 tiếng mỗi ngày. Còn với bể ngoài trời thì có thể mở đèn vào buổi tối mỗi khi bạn ngắm cá mà thôi.
Sinh sản
Khi sinh sản. trứng của cá Bãi Trầu chìm xuống đáy và sau đó được cá bố và cá mẹ thu thập lại thành tổ bọt trên thảm thực vật. Số lượng trứng cá cái đẻ mỗi lần có thể khoảng từ 100-2000 trứng. Cần tách cá cái ra bể khác sau khi đẻ, cá đực sẽ bảo vệ tổ và trứng cá con.
Trứng cá Bãi Trầu sẽ nở sau 24 đến 48 tiếng. Cá con sẽ ở lại trong tổ thêm khoảng 2-4 ngày nữa để ăn túi noãn hoàng hoàn toàn. Khi cá con đã tự bơi được thì nên tách cá đực ra. Có thể bắt đầu cho chúng ăn thức ăn có kích thước nhỏ từ ngày thứ 5 trở đi.
Phải đảm bảo cung cấp môi trường yên tĩnh, nhiệt độ ấm áp và cần che chắn kín đáo bể nuôi khi cá sinh sản.
Bệnh thường gặp
Cá Bãi Trầu tuy là loài cá khỏe mạnh nhưng nếu chăm sóc không kỹ cá sẽ rất dễ bị bệnh. Bệnh thường gặp ở cá Bãi Trầu là xù vảy, đẻ non, vô sinh, và đặc biệt là rất dễ nhiễm nấm.
Nguyên nhân thường là do môi trường nước. Hoặc nguồn thức ăn cung cấp cho cá không đảm bảo dinh dưỡng làm cá có sức đề kháng thấp.
Nên duy trì môi trường nhiệt độ ấm áp, lọc nước và thường xuyên thay nước, ít nhất 15% lượng nước phải được thay mới mỗi tuần. Cho cá ăn liều lượng vừa phải vì thực ăn thừa có thể tích tụ và làm ô nhiễm nguồn nước.
Câu hỏi thường gặp
Vì kích thước nhỏ của mình, nên khi sử dụng máy bơm lọc nước. Chúng ta nên chọn loại có công suất phù hợp để tránh gây tổn thương cho cá. Có thể sử dụng lọc tràn, lọc vi sinh tùy thuộc vào số lượng, nhu cầu thực tế của bể.
Cá Bãi Trầu là một loài cá hiền lành thích hợp nuôi chung với nhiều loài cá khác nhau. Chẳng hạn như cá bảy màu, neon vua, hồng mi Ấn Độ size nhỏ, cá kiếm, cá dọn bể.Tuy nhiên nếu bạn nuôi chung nhiều dòng khác thì kích thước bể nên to hơn 70 lít. Để tránh xung đột trong việc tìm kiếm ăn thức giữa các loài.